Bệnh trĩ sau sinh: nguyên nhân, cách chữa
- Tác giả:  Hải Yến
- Tham vấn y khoa:  BS. Bùi Văn Dũng
Có không ít chị em phụ nữ bị bệnh trĩ sau khi sinh con xong. Vậy đâu là nguyên nhân và cách chữa bệnh trĩ sau sinh như thế nào hiệu quả mà không làm ảnh hưởng đến việc chăm sóc con yêu của mình. Hãy cùng tìm hiểu về vấn đề này qua những thông tin mà Sức khỏe Wiki chia sẻ dưới đây nhé.
Sau khi sinh, có nhiều chị em có nguy cơ bị bệnh trĩ bởi quá trình mang thai và sinh em bé tác động khá lớn tới các cơ vùng hậu môn. Việc tìm hiểu bệnh trĩ sau sinh nguyên nhân, cách chữa thế nào sẽ giúp chị em hạn chế được những ảnh hưởng của bệnh với sức khỏe.
Chị em cần cảnh giác với bệnh trĩ sau sinh
Sau khi sinh con đầu lòng, chị Thủy Tiên đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội thường xuyên bị đi ngoài ra máu. Chị Tiên cho hay, thời kỳ mang thai cứ vài ngày chị mới đi ngoài một lần và mỗi lần đi rất khó khăn vì tình trạng táo bón khiến phân cứng, phải rặn mới có thể đi được.
Thời điểm đó chị mới chỉ bị đại tiện khó, nhưng sau khi sinh con xong chị bắt đầu thấy có máu khi đi vệ sinh, khi thì máu dính một chút vào giấy khi thì chảy nhỏ giọt. Vùng hậu môn thì ngứa ngáy sau khi đi đại tiện mặc dù chị đã vệ sinh rất kỹ lưỡng.
"Lúc đầu cứ nghĩ rằng bị táo bón và nóng trong nên đường tiêu hóa có vấn đề nhưng sau đó tôi ăn những thức ăn dễ tiêu hóa mà tình trạng vẫn không cải thiện, không bị táo bón nữa nhưng vùng hậu môn vẫn có cảm giác đau. Lúc này tôi mới đi khám thì mới biết đó là dấu hiệu bệnh trĩ nội." – chị Tiên tâm sự.
Có rất nhiều trường hợp chị em chủ quan khi thấy hiện tượng bất thường tại hậu môn nhưng không đi khám, đến khi phát hiện mắc trĩ cũng không rõ nguyên nhân bị trĩ sau sinh là gì và lo lắng không biết cách chữa bệnh trĩ như thế nào.
Nguyên nhân gây bệnh trĩ sau khi sinh
Có rất nhiều chị em sau khi sinh bị bệnh trĩ, vậy nguyên nhân gây ra tình trạng này là gì? Theo các chuyên gia cho biết, quá trình sinh em bé tác động khá nhiều tới vùng chậu và các cơ tại hậu môn trực tràng nên dễ hình thành bệnh trĩ. Cụ thể:
- Khi sinh em bé, nhất là đối với phụ nữ sinh thường, tử cung của các chị em mở to, áp lực tại khoang chậu tăng lên vì thế dẫn đến tình trạng tụ máu và sưng tĩnh mạch ở hậu môn gây bệnh trĩ.
- Trong quá trình sinh thường, nữ giới phải rặn khá mạnh và nhiều càng khiến ổ bụng tăng áp lực, kết quả là búi trĩ sẽ sa ra ngoài, điều đó lý giải việc nhiều chị em khi mang thai có hiện tượng bị trĩ nhưng không thấy búi trĩ mà sau khi sinh mới thấy.
- Một nguyên nhân gây ra bệnh trĩ sau sinh tiếp theo đó là do chế độ dinh dưỡng của các mẹ sau khi sinh. Do sợ ảnh hưởng tới tiêu hóa của các bé nên chế độ ăn uống của các chị em cũng bị ảnh hưởng gây chứng táo bón, đại tiện khó.
- Trong thời gian ở cữ, chị em thường ít vận động nhất là thời gian ngồi một chỗ hoặc đứng một tư thế khá lâu. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới bệnh trĩ sau khi sinh.
- Những người trong quá trình mang thai đã bị trĩ sau khi sinh con nếu không sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe điều độ khiến bệnh trĩ phát triển nặng hơn.
- Nhiều trường hợp thai lớn chèn ép và cản trở sự vận chuyển máu của tĩnh mạch khiến đám rối tĩnh mạch tại hậu môn căng phồng dẫn tới bệnh trĩ.
Khi đã biết nguyên nhân gây bệnh trĩ sau sinh, chị em cần chú ý để không bị những tác động bên ngoài khiến bệnh nặng thêm. Vậy cách chữa bệnh trĩ sau sinh như thế nào thì hiệu quả?
Có thể bạn quan tâm:
Cách chữa bệnh trĩ sau sinh như thế nào?
Về nguyên tắc, việc điều trị bệnh trĩ sau sinh tức là làm biến mất những biểu hiện của bệnh như: đi đại tiện ra máu, đau rát hậu môn, ngứa hậu môn, tiêu búi trĩ, giúp tĩnh mạch thành hậu môn tăng sức bền. Vậy có những biện pháp điều trị nào?
Để việc điều trị đạt hiệu quả tốt nhất, bạn cần tới các bệnh viện, phòng khám bệnh chuyên khoa để được thăm khám cụ thể và tìm ra nguyên nhân gây bệnh trĩ sau sinh từ đó mới có cách chữa hiệu quả. Tùy vào từng cấp độ của bệnh trĩ mà chị em mắc phải sau sinh mà bác sĩ có biện pháp điều trị khác nhau:
- Điều trị nội khoa:
Đây là cách chữa bệnh trĩ sau sinh được áp dụng khá phổ biến với trường hợp trĩ cấp độ 1 – 2. Mục đích của việc dùng thuốc là làm mềm phân, chống táo bón cho người bệnh, tăng cường lực tại thành mạch giúp làm co búi trĩ đồng thời cầm máu, tiêu viêm trị ngứa rát và đau nhức.
- Điều trị bằng biện pháp dân gian:
Cách chữa bệnh trĩ sau sinh bằng phương pháp dân gian này được áp dụng nhiều bởi nó khá an toàn cho các mẹ sau khi sinh. Chủ yếu là những phương pháp đắp lá, xông hơi búi trĩ bằng thảo dược tự nhiên, uống nước lá diếp cá, lá thiên lý để giảm triệu chứng đau sưng hậu môn.
- Điều trị ngoại khoa:
Là phương pháp áp dụng những thủ thuật ngoại khoa hiện đại để cắt búi trĩ. Hiện nay, phương pháp điều trị bệnh trĩ hiệu quả nhất chính là kỹ thuật xâm lấn tối thiểu PPH và HCPT. Với rất nhiều ưu điểm vượt trội so với những phương pháp chữa bệnh trĩ truyền thống như: an toàn, không đau, không chảy máu, không tái phát, thời gian điều trị ngắn, hồi phục nhanh và vẫn đảm bảo được chức năng sinh lý của hậu môn.
Sức khỏe Wiki mong rằng qua những chia sẻ trên đây đã giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về nguyên nhân bị bệnh trĩ sau sinh và cách khắc phục tình trạng này. Nếu còn có thắc mắc khác, bạn hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn hỗ trợ trực tiếp.
Verywellfamily https://www.verywellfamily.com/hemorrhoids-after-birth-284551 Ngày truy cập 16/6/2019
Babycenter https://www.babycenter.com/0_postpartum-hemorrhoids_11708.bc Ngày truy cập 16/6/2019