Đi tiểu buốt là bệnh gì? Nguyên nhân và cách chữa trị
- Tác giả:  Thanh Hằng
- Tham vấn y khoa:  BS. Lê Văn Điển
Bạn đang gặp phải hiện tượng tiểu buốt và cảm thấy đau, khó chịu mỗi lần đi tiểu? Vậy đi tiểu buốt là bệnh gì, nguyên nhân và cách chữa trị bệnh thế nào? Những thông tin mà chúng tôi cung cấp sẽ giúp bạn nhận định chính xác tình trạng bệnh và có cách xử lý hữu hiệu nhất.
Đi tiểu buốt là bệnh gì?
Đi tiểu buốt là tình trạng khi bệnh nhân đi tiểu tiện sẽ có cảm giác bị nhói buốt như ong đốt tại niệu đạo. Tình trạng này sẽ càng tăng lên khi gần hết dòng nước tiểu. Ngoài biểu hiện tiểu buốt, bệnh nhân còn kèm theo những triệu chứng bất thường khác như: tiểu rắt, nước tiểu có màu đục hoặc có mùi hôi, vừa đi tiểu lại muốn đi tiếp. Ở mỗi người tình trạng đi tiểu buốt sẽ kèm theo triệu chứng cụ thể tùy vào nguyên nhân khác nhau.
Để nhận định đi tiểu buốt là bệnh gì không đơn giản, bởi nó còn phụ thuộc nguyên nhân gây nên tình trạng này. Bởi vậy, việc thăm khám và làm các xét nghiệm nước tiểu, máu là điều hết sức cần thiết trong việc chẩn đoán bệnh. Từ đây, có hướng điều trị bệnh hiệu quả và triệt để nhất.
Nguyên nhân đi tiểu buốt
Nguyên nhân gây ra tình trạng tiểu buốt thường do bệnh lý, liên quan tới đường tiết niệu hoặc tuyến tiền liệt. Thông thường, hầu hết các trường hợp viêm nhiễm gây đái buốt đều do sự xâm nhập của vi khuẩn, nấm vào đường niệu đạo gây viêm nhiễm. Số khác là do tác động của quá trình giao hợp, thuốc ngừa thai gây ảnh hưởng tới niệu đạo và bàng quang.
Cụ thể ở nam giới và nữ giới các bệnh lý gây tiểu buốt có thể kể đến như sau:
- Viêm tuyến tiền liệt: Tuyến tiền liệt của người bệnh bị viêm nhiễm do nhiều tác nhân gây ra. Thường được chia làm 2 dạng là cấp tính và mãn tính với triệu chứng điển hình là tiểu buốt, đi tiểu nhiều lần mỗi lần không hết nước đôi khi còn có trường hợp tiểu ra máu khiến người bệnh đau đớn, phiền toái trong công việc và cuộc sống.
- Phì đại tuyến tiền liệt: Là khi tuyến tiền liệt gia tăng kích thước gây chèn ép vào niệu đạo và bàng quang khiến người bệnh gặp khó khăn mỗi khi đi tiểu, thường xảy ra với nam giới đã nhiều tuổi.
- Viêm niệu đạo, viêm bàng quang: Khi niệu đạo và bàng quang bị viêm nhiễm chủ yếu do vi khuẩn thường khiến nam giới bị đi đái buốt, niệu đạo tiết dịch vàng hoặc xanh, miệng lỗ sáo sưng tấy, đi tiểu ngắt quãng.
- Viêm bể thận, viêm thận: Khi nhiễm khuẩn tại bàng quang và niệu đạo nếu không được phát hiện và điều trị vi khuẩn sẽ xâm nhập lên bể thận và các tổ chức của thận khiến người bệnh bị viêm thận gây chứng tiểu buốt, tiểu ra máu, đau thắt lưng.
- Có sỏi tại đường tiết niệu hoặc bàng quang: Khi xuất hiện sỏi tại đường tiết niệu, bàng quang hoặc sỏi thận người bệnh bị đái buốt, đái ra máu… Nếu không được phát hiện điều trị sớm có thể sẽ gây nhiễm trùng đường tiểu, nặng hơn là suy thận có nguy cơ tàn phế suốt đời.
Ngoài ra nguyên nhân còn có thể do đường dẫn nước tiểu có khối u ngăn cản không cho dòng tiểu ra ngoài. Những điều này xảy ra ở cả nam và nữ vì thế khi gặp tình trạng tiểu buốt đừng chủ quan mà hãy đi khám để có hướng điều trị càng sớm càng tốt.
Triệu chứng đi tiểu buốt
Khi bị tiểu buốt người bệnh thường xuất hiện các triệu chứng như:
- Luôn muốn đi tiểu nhưng mỗi khi đi tiểu lại đau buốt đường tiết niệu nhất là khi dòng tiểu gần hết.
- Đau khi quan hệ nhất là ở nữ giới.
- Nhiều người bị đái buốt kèm theo màu nước tiểu đục, có chất nhầy từ niệu đạo, ở phụ nữ có khí hư màu vàng hoặc xanh.
- Nếu bị viêm nhiễm nặng người bệnh có thể bị sốt cao trên 38 độ C, kèm theo các hiện tượng đau buốt thắt lưng, sốt rét.
Tác hại mà tình trạng đi tiểu buốt gây ra
Trước tiên bạn cần hiểu khi bị tiểu buốt đều có nguyên nhân gây ra. Nhưng dù là do nguyên nhân nào thì tiểu buốt cũng ảnh hưởng rất nhiều tới đời sống sinh hoạt, tâm lý của người bệnh. Có thể nói mỗi lần đi tiểu là nỗi ám ảnh của người bệnh bị tiểu buốt vì khi đi tiểu phải chịu sự đau buốt tại niệu đạo.
Đi đái bị buốt làm ảnh hưởng không nhỏ tới người bệnh bởi nó gây phiền toái trong cuộc sống, không tập trung trong công việc và học tập. Thêm vào đó, sức khỏe người bệnh giảm sút, sức đề kháng suy kiệt do bệnh lý tiềm ẩn bên trong. Với những người đang ở độ tuổi sinh hoạt tình dục tiểu buốt còn gây khó khăn trong chuyện chăn gối, khiến người bệnh đau khi quan hệ, làm mất hứng mỗi khi lâm trận.
Và một tác hại nguy hiểm khác, đó là không đơn thuần chỉ là triệu chứng đái rát buốt nó còn cảnh báo cho người bệnh những bệnh lý tiềm ẩn như: viêm tuyến tiền liệt, viêm bàng quang, phì đại tuyến tiền liệt, viêm niệu đạo do lậu.
Cuối cùng, nếu triệu chứng tiểu xong thấy buốt kèm theo bệnh lý liên quan không được điều trị triệt để và kịp thời có thể ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của người bệnh, khi bệnh nhân bị lãnh cảm với chuyện yêu và sợ quan hệ tình dục sẽ khiến mối quan hệ bị rạn nứt, đời sống vợ chồng không được viên mãn.
Cách chữa trị bệnh tiểu buốt
Các bác sĩ của blog sức khỏe khuyến cáo, khi thấy triệu chứng đi tiểu buốt và những triệu chứng liên quan tuyệt đối không được tự ý đi mua thuốc để điều trị tại nhà khi chưa có bất kỳ chẩn đoán và kê đơn nào của bác sĩ. Tình trạng đi đái bị buốt do nhiều nguyên nhân gây ra, với mỗi nguyên nhân sẽ có cách điều trị khác nhau. Vì vậy, bạn cần được kiểm tra của bác sĩ và có hướng dẫn điều trị cụ thể. Thậm chí là nhập viện để theo dõi nếu bị sốt lên tới 40 độ C.
Với mỗi nguyên nhân bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị khác nhau:
- Nếu là do vi khuẩn gây viêm niệu đạo, viêm tuyến tiền liệt, viêm bàng quang cần phải sử dụng kháng sinh điều trị từ vài ngày đến khi khỏi bệnh.
- Ngoài ra bác sĩ có thể yêu cầu thăm khám phụ khoa hoặc nam khoa, làm một số xét nghiệm cần thiết nếu thấy có sỏi, có u trong niệu đạo hoặc tổn thương đường tiểu cần phải có biện pháp ngoại khoa can thiệp thông đường tiểu, lấy sỏi.
- Đồng thời chồng hoặc vợ cũng phải đưa đối tác đi điều trị tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh trở lại.
- Nên đi thăm khám bệnh nam khoa, phụ khoa định kỳ để tránh bị viêm nhiễm trở lại.
- Giữ vệ sinh bộ phận sinh dục hàng ngày, thời điểm điều trị hiện tượng đái buốt nên hạn chế quan hệ tình dục. Hoặc nếu có, nên vệ sinh, đi tiểu ngay sau đó và dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
Trong trường hợp bạn gặp phải triệu chứng tiểu buốt, đau vùng chậu, kèm theo sốt cao, sốt rét thì cần phải cấp cứu ngay vì rất có thể bạn đang bị viêm thận cấp tính.
Cách phòng tránh bị đi tiểu buốt
Nhằm hỗ trợ việc điều trị tiểu buốt được thuận lợi và phòng tránh tình trạng này bạn nên tuân thủ một số lưu ý nghiêm ngặt dưới đây:
Vệ sinh bộ phận sinh dục sạch sẽ hàng ngày nhất là sau khi quan hệ, sau khi đi vệ sinh.
Nếu buồn đi tiểu người bệnh hãy đi tiểu ngay không được nhịn tiểu.
Mỗi ngày uống đủ 2 lít nước để thận hoạt động nhịp nhàng, đúng chức năng lọc và đào thải vi khuẩn có hại ra ngoài.
Nếu bạn đang bị đi tiểu đau buốt cần phải tránh không nên có quan hệ tình dục hoặc quan hệ cần được bảo vệ để tránh lây lan bệnh cho người khác.
Có chế độ ăn uống lành mạnh, ăn nhiều rau xanh, các loại hoa quả tươi giàu vitamin để cung cấp dưỡng chất cần thiết giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Tránh ăn các đồ cay nóng, đồ nhiều dầu mỡ thức uống chứa cồn và chất kích thích. Kết hợp với việc luyện tập thường xuyên để nâng cao sức khỏe cũng là cách để bạn phòng tránh bệnh tật rất hiệu quả đấy.
Mong rằng một số thông tin về tình trạng đi tiểu buốt đã giúp bạn có thêm kiến thưc cũng như hiểu biết hơn về hiện tượng này. Để tìm hiểu thêm hoặc đang rơi vào tình trạng tiểu buốt tốt nhất bạn hãy tới cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám ngay hôm nay.